Tuesday, July 7, 2009
Trần Văn Thân: Người biệt kích bất tử
1974 - 1975 : Những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Lợi dụng đường mòn Hồ Chí Minh đã bị bỏ ngỏ và những điều khoản bất công phi lý trong bản Hiệp định ngưng bắn do Hoa Kỳ sáng tạo, nên Cộng Sản Bắc Việt đã di chuyển gần hết các Sư đoàn chủ lực vào Miền Nam, uy hiếp các tỉnh địa đầu giới tuyến thuộc QD1, đồng thời bao vây Cao Nguyên Trung Phần, thuộc lãnh thổ Vùng II Chiến thuật với ý đồ tấn công cưỡng chiếm VNCH, ngay khi Quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh đã rút hết về nước, phủi tay trước những cam kết của nhiều đời tổng thống Mỹ, đã ký hứa giúp đỡ Miền Nam VN, chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế, do Bắc Việt đảm nhận suốt cuộc chiến tương tàn, sau khi chia hai VN vào tháng 7-1954.
Trước tình hình nguy ngập của đất nước, gần như tính bằng ngày. Thế nhưng QLVNCH vẫn không bỏ cuộc và dù biết đang phải chiến đấu trong cô đơn đầy thiếu thốn, mà mạng sống của người lính ngoài chiến trường, thì mỏng manh hơn bao giờ hết. Vậy mà chẳng ai nghĩ tới chuyện đào ngũ, bỏ trốn ra ngoại quốc, cho dù người Mỹ đã cố tình tiết lộ việc di tản cho một số quan chức có quyền hành tại Sài Gòn. Cao cả và đáng kính trọng khâm phục nhất, cũng vẫn là những người Lính thuộc Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt, trong đó bao gồm Các Toán Công Tác Xâm Nhập thuộc các Ðoàn Công Tác và các Ðoàn Liên Lạc của Nha Kỹ Thuật/Bộ TTM/QLVNCH, vẫn tiếp tục tiến hành công tác xâm nhập vào những mục tiêu nguy hiểm nhất, chẳng khác nào nhiệm vụ ám sát toàn quyền Pháp là Merlin, của Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái tại Hồng Kông vào năm 1924. Có thể nói được, đây là cuộc đổi mạng của người lính cảm tử LLÐB giữa chốn ba quân, để mang về cho QLVNCH, những tin tức tình báo chiến lược, được cập nhật hóa tại chỗ đóng quân của giặc. Nhờ đó mọi cấp chỉ huy tại các vùng chiến thuật, mới nắm vững được tình hình và hoạt động của địch, để ta điều nghiên ứng phó.
Ðoàn Công Tác 75 trách nhiệm vùng II Chiến thuật, với những nhiệm vụ đặc biệt kể trên... Quân số của Ðoàn, có 9 Toán Thám Sát, mỗi toán gồm một Sĩ Quan Trưởng toán, năm Hạ Sĩ Quan Chuyên Viên và các toán viện công tác. Quân số này tùy theo nhiệm vụ giao phó, nên số nhân viên công tác tăng hay giảm với nhu cầu. Ít ai biết tới sự hy sinh cao cả nhưng âm thầm của những người Lính LLDB trên, chỉ riêng những ngày đen tối 1974-1975, đã có tới bảy trong chín Sĩ Quan Trưởng toán, đã hy sinh tại chiến trường máu lửa, trong chốn ba quân, phần lớn bị banh thây bầm xác vì bom đạn và lòng căm thù tuyệt đỉnh của giặc. Số khác mất tích, bởi không một ai chịu đầu hàng để mà sống nhục. Chết thì chết, những Toán còn lại vẫn tiếp tục bổ sung và tiến hành công tác hiểm nguy cho đến những giây phút cuối cùng, phải rã ngũ vì lệnh đầu hàng VC, do Tổng Thống Dương Văn Minh ban hành vào trưa 30-4-1975.
Cố Trung Úy Trần Văn Thân: Ông sinh năm 1942 tại Phú Trinh Phan Thiết,Tỉnh Bình Thuận, cựu học sinh trung học tư thục Bạch Vân và Bồ Ðề. Nhập ngũ tháng 10-1962, cùng với Ðặng Ken, Cao Minh, Nguyễn văn Nghĩa, Nguyễn Văn Ðại, Trần Khói Hương... Các bạn Minh, Ðại, Nghĩa cùng Thân kẻ trước, người sau đền nợ nước, Trần Khói Hương chết sau khi ra tù CS, chỉ còn Ðặng Ken trước là cận vệ của Tướng Ðặng Văn Quảng Tư Lệnh LLDB... sống già nơi quê hương Phan Thiết. Thân ra trường tháng 3-1963 và về Binh Chủng Lực Lượng Ðặc Biệt, năm đó trú đóng tại Nha Trang. Ông cũng là võ sư cao cấp của Thái Cực Quyền, vì vậy được chọn về Ðơn Vị Quân Cảnh của Bộ Tư Lệnh LLÐB.
Sau Tết Mậu Thân 1968, Trần Văn Thân là trưởng toán thám sát thuộc Ðoàn Công tác 75, có nhiệm vụ xâm nhập vào các vị trí đóng quân của Các Ðại Ðơn Vị Cộng Sản Bắc Việt, để thu nhặt cập nhật hóa tin tức tình báo chiến lược. Theo tin tức của những đồng đội hiện còn sống sót tại hải ngoại cho biết Thiếu Úy Trần Văn Thân, đã bị mất tích vào Mùa Hè 1974 vì bị giặc săn đuổi, ông đã bơi qua một con sông nước chảy xiết nên chết mất xác. Những giây phút thảm tuyệt này, đã được một nhân viên mang máy may mắn được sống sót kể lại. Vậy mà từ ấy cho đến nay những người thân trong gia đình, thảm nhất là mẹ ông là bà Ngô Thị Dân ở Phan Thiết, cùng với người vợ trẻ tên Nguyễn Thị Liễu với ba con thơ dại tại Sài Gòn, lúc nào cũng ngong ngóng hy vọng là con và chồng-cha mình, vẫn còn sống trong các trại tù đâu đó, rồi cũng sẽ trở về như nhiều bạn bè của Thân cùng đơn vị và quê Phan Thiết. Cứ chờ đến nỗi mẹ già khóc mù cả hai mắt rồi gục chết vào năm 2000, nhưng vẫn không ngớt gọi tên đứa con thân yêu của mình. Riêng người vợ trẻ thay chông nuôi con, ở vậy cho tới khi tất cả khôn lớn vào đời, còn mình thì cứ ôm ấp hình bóng của người chồng cũ, vẫn sống trong những di ảnh thân thương nguyên vẹn, mà chàng thì biền biệt tận phương nào?
Chuyến công tác cuối cùng của cố Trung Úy Trần Văn Thân
Thi hành công tác được Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II giao phó, với nhiệm vụ thâu thập tin tức về các hoạt động của địch quân đang hiện diện trong lãnh thổ, thuộc vùng chiến thuật. Toán Thám Sát do Thiếu Úy Trần Văn Thân làm trưởng toán, nhận lệnh thi hành công tác bí mật tại Ðèo An Khê, nằm trên Quốc Lộ 19, giữa đường từ Bình Khê đi An Túc, thuộc Tỉnh Bình Ðịnh. Lúc đó vùng này, coi như một chiến trường đẫm máu, giữa Sư đoàn 3 Sao Vàng của Cộng Sản Bắc Việt và Sư đoàn 22 Bộ Binh của QLVNCH. Ðịch quân hiện diện cả một vùng rộng lớn trong lãnh thổ các Quận Bình Khê, An Túc, Hoài Ân, An Lão... mà dấu hiệu để lại tại chỗ, là việc cán binh đào xới sạch lán những nương khoai, rẫy mì của đồng bào Bà Na trong vùng, để làm lương thực nuôi quân.
Theo tin tức ghi nhận, thì Toán Thám Sát của Thiếu Úy Thân đã chạm địch từ những giây phút đầu, vì lọt vào Bộ Tư Lệnh của SD 3 Sao Vàng, bên cạnh có một trung đoàn bảo vệ. Tuy vậy họ đã chống trả mãnh liệt trước quân số hàng ngàn của Cộng quân, thêm vào đó còn có cả trời phòng không của Nga Xô và Trung Cộng viện trợ, trong lúc Toán Thám Sát của Thân, vỏn vẹn chỉ có sáu người. Nhưng cuộc đời của người lính VNCH là vậy đó, nhất là những người lính cảm tử LLDB. Bởi vậy, các cấp chỉ huy liên hệ, chỉ còn biết nghe đồng đội của mình, qua tiếng báo cáo với đại bàng, là đơn vị đang chạm địch nặng, cùng lúc với tiếng súng lớn nhỏ và lựu đạn nổ, xen lẫn tiếng hô xung phong, vang lên từng đợt trong ống liên hợp. Cùng hòa tấu trong điệu ru nước mắt này, là tiếng đạn phòng không nổ tung tại một vùng xa xôi nào đó, nhưng âm hưởng truyền qua máy, cũng đủ làm rách tai người hiệu thính viên đang trực. Cuối cùng là tiếng thét của Thiếu Úy Trưởng toán Trần Văn Thân 'Zulu - Zulu' Âm thanh càng lúc càng nhỏ dần và tan biến vào trận địa, lúc đó vẫn còn vang tiếng súng ở một góc trời.
Vậy mà hơn 34 năm sau, dường như tiếng thét cuối cùng của người Lính Trận: Cố Trung Úy LL Trần Văn Thân, vẫn còn vang vọng đâu đây, bảo sao những người thân của ông, cứ vẫn tin là con, chồng và ba của mình còn sống, nay đang ở nơi nào đó, mai sẽ về...!
Sau khi nhận được tin dữ về Toán Thám Sát của Thiếu Úy Thân, Nha Kỹ Thuật đã phối hợp với không quân, hằng ngày tiếp tục lên vùng tìm kiếm dấu vết của những người sống sót đang ẩn nấp trong rừng sâu, từ ánh sáng của kiếng chiếu rọi lên, hoặc Panô (Panel), hay hỏa châu cấp cứu, cũng như bất cứ tín hiệu truyền tin nào, của Toán thất lạc nhưng tất cả đã ra đi không hẹn ngày về.
Ðại Úy Nguyễn Hùng Trâm (hình bên, hiện ở Mỹ), Liên Toán trưởng thuộc Ðoàn 75 Công tác, vô cùng cảm xúc khi đọc bài viết về Cố Trung Úy Trần Văn Thân, vì chính ông là người đã bay thả toán thám sát của Trần Văn Thân tại đèo An Khê, tỉnh Bình Ðịnh. Ðây là thời gian nguy ngập nhất của chiến trường này, nên chỉ vỏn vẹn một tháng ngắn ngủi, mà Ðoàn Công Tác 75 đã mất 3 toán thám Sát LLDB trong khu vực này. Theo báo cáo, thì Toán của Thân đụng độ với một Trung Ðoàn thuộc SD 3 Sao Vàng, ngay khi vừa nhảy xuống, với nhiệm vụ chặn bắt một Bác Sĩ VC ở đầu đường mòn. Tên này sau đó cũng bị toán thám sát của Trung Ðoàn 45 thuộc SD23BB/VNCH , chân ở phía cuối đường đã bắt được, giải giao cho Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Khu và được trực thăng chở về Pleiku khai thác.
Còn sống sót trong 7 toán thám sát thuộc Ðoàn 75 bị thất lạc, là Thiếu Úy Vũ Văn Quyền cũng xác nhận là Thiếu Úy Trần văn Thấm đã mất tích vào năm 1974. Xin nghiêng mình tri ân những người đã hiến thân cho đất nước và dân tộc Việt. Thảm thương ơi cho thân phận người lính VNCH, một đời vì nước-dân, màu cờ sắc áo, bảo vệ cho đạo pháp tại Miền Nam, thế nhưng nay có còn được bao nhiêu người nhớ tới.
Phạm Hòa / Toán công tác 723
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment